Sunday, February 9, 2014

• 30 Tháng Tư, 38 năm nhìn lại - Hiền Vy, thông tín viên RFA


30 Tháng Tư, 38 năm nhìn lại
by Sunday, April 28, 2013 - Hiền Vy, thông tín viên RFA

Sài Gòn ngày 30-04-1975-AFP PHOTO

Cách đây 38 năm, hàng triệu người Việt từ miền Trung và vùng cao nguyên Việt Nam bồng bế nhau theo đoàn quân VNCH di tản vào miền nam Việt Nam. Ngày 30 Tháng Tư 1975, chính thể Việt Nam Cộng Hòa chính thức cáo chung.

Vào những ngày cuối Tháng Tư 1975, hàng vạn người đã bỏ nước ra đi tìm tự do bằng đủ mọi phương tiện; trên những con thuyền bé nhỏ, đến những tầu chiến hải quân, hay máy bay vận chuyển, hoặc trên những chiếc trực thăng...

Những ngày sau đó, ở Việt Nam là những nhà tù trá hình được gọi là "Trung Tâm Cải Tạo", giam giữ hàng triệu quân nhân công chức VHCH để trả thù. Hàng triệu người Việt tiếp tục vuợt biên, vượt biển tìm tự do trong mười mấy năm sau đó.

Đối với họ, Tháng Tư 1975 là Tháng Tư Đen và Ngày 30 Tháng Tư luôn là Ngày Quốc Hận. Trên đường tìm tự do, hàng vạn người đã bỏ thây trên biển cả hay trong rừng sâu nước độc. Với rất nhiều người, 30 Tháng Tư cũng là ngày cúng giỗ những người thân đã nằm xuống.

38 năm trôi qua, những sự thật về "chiến thắng", "giải phóng", hay "xâm lăng" đã hiện rõ, ai là bên thắng, ai là bên thua và chính nghĩa ở đâu, đã phơi bày. Kỹ thuật tân tiến về thông tin đã làm các mặt nạ "giải phóng" rơi xuống. Hiện tình đất nước đổi thay, Việt Nam đang phát triển hay mất dần vào tay Trung Quốc? Sự thật bi đát đã phơi bày và chính những người trẻ sống và lớn lên trong chế độ như Việt Khang, Đoàn văn Vươn, Nguyễn Đức Kiên... là những nhân chứng sống hùng hồn cho những ai còn ảo tưởng về Xã Hội Chủ Nghĩa. Người dân Việt trong nước vẫn tiếp tục hy sinh và giai cấp độc quyền thống trị chỉ biết có quyền lợi riêng tư đang ngự trị trên quê hương. Rất nhiều người cho rằng những người cầm quyền không hề quan tâm đến sự tồn vong của đất nước. Không ít người tự hỏi, phải chăng "nhà nước" đang góp phần tích cực phục vụ cho âm mưu biến Việt Nam thành một phần của Trung Quốc.



Thống đốc Rick Perry với người Việt 
trước tòa nhà Quốc Hội Texas. 
Hình của TTV Hiền Vy.
Thành công xứ người
Những người di tản tìm tự do 38 năm trước đã và đang làm gì tại hải ngoại? Nhiều người cho rằng cuộc di tản của hàng triệu người Việt ra hải ngoại có lẽ còn là một cơ may cho sự tồn vong của người Việt. Trong 38 năm qua, những người Việt bỏ nước tìm tự do đã tái tạo cuộc sống mới, mang lại cho họ và thệ hệ thứ hai nhiều thành quả và hy vọng. Chính những ngân khoản khổng lồ nhiều tỷ Mỹ Kim người Việt hải ngoại gửi về cứu trợ thân nhân hàng năm, đã và đang giúp cho kinh tế Việt Nam sống sót.

Người Việt hải ngoại nói chung và tại Texas nói riêng, đang đi vào một giai đoạn mới. Có thể nói là họ đã trưởng thành sau một thời gian dài đau buồn sống lưu vong để trở thành những công dân trực tiếp đóng góp vào quê hương mới.

Vào Tháng Tư năm nay, lưỡng viện tiểu bang Texas đã đồng chấp thuận, ngày Thứ Tư 17-4-2013, là ngày vinh danh người Mỹ gốc Việt tại Texas, "Vietnamese Americans Day In Texas". Đây là kết quả của cuộc vận động của dân biểu TB Hubert Võ tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện Texas trong nỗ lực vinh danh cộng đồng gốc Việt.

Trong bài diễn văn đọc trước Hạ Viện Texas, Dân biểu Hubert Võ nhắc đến những gian khổ và hy sinh của người Việt trên đường vượt biên, vượt biển tìm Tự do sau biến cố 1975. Ông nói rằng, những người Việt sinh sống tại Texas đóng góp trong sự phát triển kinh tế của tiểu bang, cũng như làm phong phú thêm Văn Hóa của Texas. Ông cũng thay mặt những người Việt tại đây, cám ơn người bản xứ đã giúp đỡ và đối xử công bằng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong những năm qua. Ông cảm ơn sự can đảm và hy sinh của cựu chiến binh Hoa Kỳ và gia đình của họ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng nói, dù có sự khác biệt giữa hai nền Văn Hóa, Phong tục và Ngôn ngữ, nhưng người Mỹ gốc Việt và người bản xứ cùng có chung một lý tưởng yêu chuộng Tự Do.
Có mặt tại Austin, ông Đinh Quang Tiến, một người ủng hộ DB Hubert Võ chia sẻ:

"Dịp 30/4 thì thường thường tất cả cộng đồng tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc Hận, tức là ngày mất nước, tuy nhiên anh Hubert Võ là dân biểu Việt Nam, anh ấy nghĩ rằng là qua bao nhiêu năm rồi, người Việt Nam từ năm 1975 đều đã ổn định cuộc sống và thành công. Thế hệ cựu quân nhân đã hy sinh để nuôi con cháu học thành tài. Đến bây giờ, thế hệ thứ hai đã thành công và phục vụ trong mọi ngành nghề, công sở, hãng xưởng. Đóng góp rất nhiều công trình quan trọng cho việc phát triển của nước Mỹ và tiểu bang Texas. Đó là lý do anh Hubert Võ muốn TB Texas, đã được cộng đồng Việt Nam đóng góp và xây dựng sự phát triển vững mạnh của đời sống cũng như kinh tế, nên anh ấy làm một Nghị Quyết cho Quốc hội, cả Thượng viện và Hạ viện, vinh danh cộng đồng Việt Nam, người Việt Nam trong tiểu bang Texas này." 

Từ Dallas đến tham dự Ngày Người Mỹ Gốc Việt, mặc dù rất phấn khởi về sự thành đạt của đồng hương nhưng cô Kim Oanh không khỏi bồi hồi khi nhắc đến Tháng Tư năm 1975:

"38 năm rồi, nhưng cứ tới Tháng Tư là, bây giờ nói thì cũng còn hơi cảm xúc, cộng đồng Fort Worth và Dallas vẫn hợp tác tổ chức. Màn cảm động nhất là màn dâng hoa. Mỗi năm, thí dụ như 38 năm thì dâng 38 đóa hoa. Năm nay cũng vậy, dâng hoa trắng để tang cho ngày mất nước ..."

Trong khi đó, ông Trần Văn Chính, chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Dallas thì hy vọng một tương lai sáng hơn nữa cho những người Việt lưu vong:
"Theo ý tôi, những người Việt Nam tỵ nạn mà được vinh danh tại một xứ sở tạm dung thì rất là quan trọng. Tôi hy vọng rằng sau buổi lễ hôm nay sẽ có nhiều tiến bộ hơn để những người Việt lưu vong như chúng tôi thì sẽ còn nhiều công việc khác để làm hơn nữa ..."

Vẫn mong ngày về
Còn ông Quang từ Houston thì vẫn hy vọng một ngày về, dù ông cũng hãnh diện với sự thành công của người Việt tại Texas:
"Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó chúng tôi và tất cả mọi người Việt Nam đang tỵ nạn sẽ trở về lại Việt Nam mà không còn cộng sản." 38 năm đã trôi qua, với nhiều người Việt tỵ nạn Cộng Sản, mây mờ vẫn chưa tan, hương khói giỗ kỵ vẫn còn mỗi khi Tháng Tư về, nhưng có lẽ hận thù đã trở thành quá khứ. Những người Việt tha hương vẫn mong có một ngày về xây dựng lại quê hương, nhưng phải là một quê hương Việt Nam Tự do và Dân chủ.

Cho đến bây giờ, Ngày 30 Tháng Tư vẫn là Ngày Quốc Hận đối với họ, một ngày tưởng niệm và cầu nguyện. Họ cầu nguyện tiếng nói của Nguyễn Đức Kiên, những lời ca của Việt Khang làm cho con dân đất Việt tỉnh thức để thấy được nạn Bắc xâm quá gần kề. Họ cầu nguyện cho Công Lý Sự Thật được soi sáng khắp nơi, đặc biệt đến với lớp dân nghèo khó đang bị lãng quên và không có cả quyền làm người.



30/4 lại đến rồi, con ơi mau về đi kẻo muộn!
by Nguyễn Tường Thụy | 28/04/2013


Lời Tác Giả: Nhân mừng thọ tuổi 70 của tôi lại vào dịp nghỉ 30/4, các con tôi đã quyết định cho bố một chuyến đi dối già vào Sài Gòn và Miền Tây Nam Bộ. Tình cờ, tại vùng sông nước cuối cùng của Tổ Quốc, tôi đã được đến thăm nhà má Năm ngay gần bờ sông. Rồi má đã kể cho chúng tôi nghe những tháng năm trước 30/4/1975, ba má đã cưu mang cán bộ và bộ đội như thế nào. Má còn kể về một đứa con nuôi của má nay đang “làm vua” ở Hà Nội, đứa mà ngày xưa má đã suýt chết vì che dấu nó dưới hầm bí mật ra sao. Trời ơi, má Năm nay đã ngoài 90 mà vẫn còn minh mẫn lắm. Má cười, ba má chỉ tội nghèo nhưng nhờ sống thoải mái nên giữ được sức khỏe. Câu chuyện về đứa con nuôi “làm vua” của má nghe thật lạ! Má vừa kể vừa lau nước mắt hình như sau 38 năm biền biệt xa đứa con mà nay má vẫn thương yêu và lo cho tính mạng của nó như hồi còn trong Bưng vậy. Má nói, tình hình này thể nào cũng sẽ có một cuộc 30/4 nữa! Má sợ lúc đó ba má sẽ không còn đủ sức để cưu mang được nó. Rồi bỗng má thở dài: “Ôi sao nó không về trước đi! Cứ dại dột ngồi mãi đó lại như cái ông “Ca” gì đó ở bên Li-bi thì khổ!” Tôi chưa kịp hỏi họ tên đứa con nuôi “làm vua” của má là gì thì đã phải lên ca nô để đi sang vùng khác. Bài viết này chỉ ghi lại những lời thương của má để nhắn nhủ đứa con nuôi một thời ba má đã yêu thương như con ruột, xin được trân trọng sẻ chia cùng quí vị.

30/4 lại đến rồi,
con ơi mau về đi kẻo muộn!
(Viết theo lời thương của hai vợ chồng bà má Nam Bộ)

Từ ngày 30/4/1975 con chào ba má về thành phố
Ba mươi tám năm trôi qua ba vẫn sống kiếp cơ hàn
Các em con lớn lên nay vẫn chưa có việc làm ổn định
Má che chở con ngày xưa giờ vẫn sống lầm than!

Hồi trong Cứ con thưa, rồi má ba sẽ thay đời đổi kiếp
Độc lập rồi dân sẽ ấm no hơn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn!
Vậy mà nay các đồng chí của con đang làm dân chết khiếp
Khắp nơi nơi đâu cũng thấy người dân đang phỉ nhổ căm hờn!

Ngày còn ở trong Bưng má thấy con hiền lành như thế
Mỗi lần về làng gặp du kích con thỏ thẻ với má ba
“Con đi chiến đấu quên thân để cứu dân cứu nước
“Đưa lại Độc Lập, Tự Do cho tổ quốc, quê nhà!”

Nay Độc Lập có rồi nhưng Tự Do đâu chưa thấy
Chỉ thấy ai nói hơi trái ý con là con bắt nhốt tù rồi
Người dân muốn nói thật để cho đất nước mau tiến tới
Vì họ đã từng đổ máu xương để giờ con hưởng đó con ơi!

Má biết con đã sớm phải vô Bưng nên học hành lởm khởm
Lẽ ra nay làm vua, con phải biết khiêm tốn lắng nghe dân
Dân thật thà góp ý giúp con thì con kêu “bầy phản động”
Còn mấy đứa nịnh hót tâng bốc thì con lại chơi thân

Sao dưới triều đại con, người có tài thì con không trọng dụng?
Chỉ bổ nhiệm một lũ cúi luồn bằng cấp có, kiến thức không
Làm đất nước lộn tùng phèo người mù lại đi dắt người sáng
Người tâm huyết tài năng lại phải về cày ruộng nuôi tôm!
Mà nuôi tôm, các đồng chí của con cũng không cho yên sống

Anh em Đoàn Văn Vươn hai mươi năm trời đã lấn biển quai đê
Xây đầm nuôi tôm bằng chính sức mình làm giàu cho đất nước[1]
Các bạn con lại dùng bộ đội công an định cưỡng cướp mang về!
Má ba chưa thấy lịch sử nước nhà có thời đại nào như thế

Mồm “lấy dân làm gốc” tay lại cướp bóc và đàn áp dân lành
Chuyện ba ngàn công an đánh một ngàn nông dân năm ngoái[2]
Cướp đất Văn Giang xây “thiên đường” là một “trang sử liệt oanh”
Dân đóng thuế được bao nhiêu thì bọn nịnh thần vơ vét hết

Rồi cố tình đẻ thêm ra chước quỷ mưu ma để trấn lột tiền dân
Hết bày đặt nào thuế xăng xe, thuế đường bộ, thuế ô tô xe máy…
Bệnh viện nằm bốn người một giường cũng phải nộp thuế thân!
Ba má muốn gặp tận mặt con để nói cho con nghe sự thật

Nhưng từ ngày con làm quan rồi làm vua đâu ló mặt về thôn
Má ba đã ngoại cửu tuần rồi không thể ra thăm con được nữa
Sợ ít nữa dân phẫn uất lên, má ba không còn cơ hội để cứu con!
Ba ruột con danh tính là gì và ở đâu má ba không được biết

Chỉ thấy má đẻ con một mình lam lũ nuôi con nên má ba thương
Có phải “ông ấy” nhận ra con không mà nâng con lên nhanh thế?
Làm vua mà không được học hành sao con có thể đảm đương?
Ba má đã sống hơn nửa đời người trước 30 tháng Tư nên hiểu

Thời trước người ta biết trọng nhân tài nên xã hội văn minh
Người giàu biết thương yêu người nghèo, tạo việc làm cho họ
Chứ không như bọn tư bản đỏ bây giờ làm dân ghét, dân kinh
Thời trước Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của ta tất cả

Ngư dân ta đánh cá ngoài khơi có ai dám trấn giết cướp tàu
Thời nay ngày nào Hán tặc cũng bắn giết ngư dân trên biển
Mà ba má đã bao giờ được nghe con lên tiếng cứu dân đâu?
Má ba cùng đồng bào đã 20 năm cưu mang con trong lửa đạn

Hôm con chui xuống hầm cạnh bồn cầu, má cứ phải “ngồi” coi
Nếu không có nhân dân hi sinh thì 30/4 các con sao thắng được
Mà nay các đồng chí của con đối xử với dân tàn ác thế con ơi!

Năm thứ ba mươi tám 30/4 lại đến rồi, con ơi mau về đi kẻo muộn!
Má không còn sức “ngồi” bồn cầu để coi con chui xuống đó nữa đâu
Ngày nhân dân vùng lên lật đổ con nay chỉ là một chiều một sớm
Con về đi! Đừng như bố con Gaddafi bị dân cắt cổ, má ba đau!

Sài Gòn, 28/4/1013
Ts. Đặng Huy Văn

[1]- Ngày 5/1/2012, chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã dùng hơn 100 công an và bộ đội có trang bị vũ khí đến đập phá nhà và định cướp trắng đầm tôm của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng một cách trái pháp luật.

[2]- Ngày 24/4/2012, hơn ba ngàn công an và đầu gấu được UBND huyện Văn Giang, Hưng Yên thuê để đàn áp cuộc biểu tình của hơn một ngàn nông dân tại xã Xuân Quan, Văn Giang để giữ ruộng đất và mồ mả tổ tiên của bà con đang bị giải tỏa mặt bằng để xây dựng “Thiên đường Ecopark”của một chủ đầu tư giấu mặt. Cuộc biểu tình của bà con Văn Giang đã bị đàn áp dã man trong đó có rất nhiều người dân và hai phóng viên VOV đã bị đánh trọng thương.

No comments:

Post a Comment