Những ai còn ở lại VN sau tháng 4 /75 còn nhớ nhân vật nầy được ca tụng như thế nào? và năm 76 chính cô là tài tử bất đắc dĩ trong cuốn phim về 30/4 của VC, nhưng chỉ vài năm sau đó cô ta đã định cư ở xứ "giẫy chết"
Nhíp của hiện nay…
Ngày 29/4/1975, xe tăng của Phe Cách Mạng đã vào đến cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Tây Bắc. Trên xe có một cô gái trẻ, xinh đẹp, đầu đội mũ tai bèo, dẫn đường. Sau này, đạo diễn Nguyễn Trí Việt của Hãng phim Giải Phóng đã dựa vào hình tượng đó để dựng thành phim: Cô Nhíp!
Cô Nhíp (Cao Thị Nhíp – VC thì gọi cô là Nguyễn Trung Kiên), tên thật, người thật, việc thật (có nhiệm vụ dẫn xe tang vào Sài Gòn) giờ cô ở đâu? Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả đó, cô được gì? cô làm gì? cô ra sao?
Trả lời:
cô Nhíp đã qua Mỹ sống từ lâu. Cô đã mang quốc tịch Mỹ với tên họ khác. Một khoảng đời với cái tên Nhíp trước đây, cô đã tự chôn vùi.
Hình ảnh của cô Nhíp hiện nay…
Mùa hè cách đây vài năm, ở thành phố Garden Grove, Nam California, tôi gặp lại Nhíp. Vẫn xinh đẹp như xưa nhưng khi được hỏi về ngày 29/4/1975, Nhíp trả lời: “Tôi đã quên rồi. Quên lâu lắm rồi”.
Một buổi sáng thượng tuần tháng 10 năm ngoái, “Cô Nhíp” đến nhà thăm tôi, khi Cô vừa tử Cali về lại VN. Tôi và nó là đôi bạn thân trước khi nó rời bỏ Sài Gòn để đến nước Mỹ xa xôi và trở thành cư dân ở đó. Hai mươi năm có lẽ. “Cô Nhíp” năm xưa đã mất dấu thật rồi. Chỉ còn đây, một người Mỹ gốc Việt.
Sử sách sẽ ghi chép thế nào đây?
Cả tôi lẫn nó đều không ai nhắc về “Cô Nhíp” với chiếc xe tăng từ Củ Chi tiến về Sài Gòn cách đây 40 năm, về cái chuyện nó rời bỏ VN và quên đi quá khứ “hào hùng” của nó.
Có nỗi xót xa không thể nói thành lời.
Nguyễn vi(facebook)
cả tuần nay, trên fb, thiên hạ nhắc về chuyện ” cô Nhíp “…
Hướng mắt về đám lá lụp xụp, tôi thấy thấp thoáng chiếc bóng ngồi lặng lẽ trên bậc thềm của chị Trúc cùng chiếc khăn quàng màu tím quen thuộc và những sợi tóc bay lòa xòa trong gió. Tôi quay ngoắc lại, đi trở lui. Tôi không muốn thấy chị. Có lẽ, cứ hể mỗi lần thấy chị là nhắc tôi nhớ lại hồi ức hãi hùng về những cái chết ngỡ ngàng vô tội đau đớn của các em do trái lựu đạn cố tình nổ toang trước cổng trường Tiểu Học năm đó. Cho nên dù nụ cười chị chào tôi thật ngọt, nhưng tôi không hề cảm động và cũng không muốn thân thiện dù chỉ là xã giao.
Khi đó tôi mười bảy, tuổi đủ lớn để có thể giúp việc này việc nọ cho ba mẹ, và tôi thích nhất là mỗi buổi chiều đi đón em ở trường, tôi thường đi sớm một chút để có thì giờ đọc lén mấy cuốn Tiểu thuyết trong quán sách gần đó, chờ em tan học tíu tít chạy qua đòi mua này mua nọ một hồi rồi hai chị em hối hả về, ba mẹ đợi cơm ở nhà.
Hôm đó tôi vào, trong quán chỉ có một người khách đang đứng khuất sau cái kệ cao treo mấy tờ tạp chí nơi góc cứ dòm ra đường như chờ ai. Như thường lệ, tôi đi thẳng vô bên trong, cười cười đáp lại với cô bé ngồi nơi quầy tính tiền rồi vói lấy cuốn truyện đọc dở dang hôm qua. Đang mãi mê, chợt tiếng chuông reo lanh lãnh, tôi như cụt hứng, ngó ra, kịp thấy người đàn ông lúc nảy vừa kéo sụp cái mủ lưởi trai trên đầu và bước vội ra đường. Tôi tiếp tục đọc thật lẹ, đoạn truyện tới hồi hấp dẩn. Một tiếng nổ kinh hồn. Tôi giật nẩy mình hoảng hồn hụp đầu xuống thì nghe tiếng la hoảng lồng lộng bên kia :
– VC liệng lựu đạn
– Chết con tôi rồi, cứu con tôi với Trời ơi ! Trời !..
– Trời ơi ! Chết ! …Chết !…
Tiếng khóc, tiếng la, thất thần rộ lên kêu cứu tràn tới cổng trường. Kịp hiểu, tôi đâm đầu băng qua, lách thiệt lẹ trong dòng xe đổ dồn cụt, hớt hải chui vào đám đông. Tay chân tôi run lẩy bẩy, gần như chết điếng thấy trước mắt những thân thể toé máu nằm ngổn ngang, có người oằn oại đau đớn ghê lắm. Tôi sợ quá, đang dáo dác cuống quít thì bị xô giạt ra chúi nhủi.
– Dang ra !..Dang ra !.. Tránh ra chỗ khác !
Tôi nép qua một chút cho Y tá lăng xăng chạy ra chạy vô băng bó, cứu cấp, khiêng mấy người bị thương. Chung quanh tôi, tiếng khóc rũ rượi, tiếng bù lu bù la kể lể càng lúc càng thảm thiết nhưng tôi bất kể cứ xô đẩy lẩn quẩn lýnh quýnh, rồi như con sóc len vô bên cửa hông của trường và mừng quá khi thấy em tôi đứng khóc thút thít trong đám người lớn con nít thấp thỏm nhấp nhô tụ lại ở cuối dãy. Tôi nhào tới ôm lấy em vừa mếu máo vừa xoa lưng, vừa dỗ. Lúc đó mẹ tôi chạy lúp xúp tới mặt mày xanh lè thất thần, miệng mồm méo xệch.
Tôi gần như kiệt sức, ngủ không được, BS bắt nghỉ học vài ngày, ăn cháo uống thuốc. Đêm đó, sau khi ăn uống qua loa, tôi vệ sinh rồi lên giường nằm im quấn mền thật chặt chờ thuốc thấm. Lát sau, đôi mắt tôi lim dim thần trí mơ mơ màng màng nghe như có gì lao xao, giống như tiếng gió chạy rào rào trên những hàng cây, rồi sau đó tiếng gió mỗi lúc mỗi mạnh rầm rì như tiếng người, rồi tiếng gió rít lên, rít lên… nghe rõ ràng “Đứng lại ! đứng lại !” rồi có tiếng chạy đuổi nhau giận dữ… và tiếng súng vang lên khô khốc ! tôi bắn người, chới với bật dậy thét hoảng kinh… Mẹ lật đật chạy vô tốc mùng ôm tôi thật chặt. Tôi sợ lắm, mồ hôi rịn ra ướt lưng, trái tim đập thình thịch, thấy mơ hồ chung quanh có những cặp mắt ngỡ ngàng của mấy đứa trẻ chết tức tửi hôm nào nhìn tôi. Tưởng mình bị chết, tôi chới với níu chặt lấy tay mẹ, cánh tay ấm hôi hổi khiến tôi tỉnh táo đôi chút, tôi ngẩn ngơ nhớ lại, giọng sợ sệt :
– Có tiếng nổ mẹ ơi !
Mẹ dỗ dành :
– Ngủ đi ngủ đi, không có gì đâu con.
Tôi dụi đầu trên vai mẹ cảm thấy yên tâm, định thần lại, tôi nghe có tiếng người trước cửa nhà, tôi còn nhận ra được giọng người quen lao xao… Có ai khóc vậy ? Có tiếng khóc mà… Rồi có tiếng giày nữa, nghe rào rạo. Tiếng bánh xe thắng rít, gấp rút, hình như xe đang trở đầu, ánh đèn quét lấp loé từng luồng vô cửa sổ. Tôi mang máng chắc hàng xóm cãi lộn đánh lộn gì đó ghê lắm cho nên con đường sáng rực ánh đèn xe hơi.
Lát sau, ba bước vô thì thào với mẹ :
– Nghe nói…bắt được người liệng lựu đạn rồi. Nó trốn trong nhà cô Trúc.
Mẹ như ớ ra, rồi nín thinh thở phào, quay sang ôm tôi :
– Tụi con ngủ đi, có ba mẹ đây đừng sợ.
Tôi nằm im cho mẹ yên lòng, đầu óc tôi mông lung, và những hình ảnh ngày hôm qua lại lảng vảng trong trí nhớ. Thằng em nằm kế bên ngủ say có hay biết gì đâu.
Chị Trúc có gian hàng bán vải ngoài chợ, nhưng mới dọn về căn nhà có khu vườn rộng cách nhà tôi một khoảng sân hẹp mọc đầy hoa Cúc dại màu tím. Đêm qua trong khi Cảnh Sát Đặc Biệt bao vây nhà chị, bất ngờ có một bóng người xuất hiện từ cửa sau, đang mon men ra ngoài, bị phát hiện kêu đầu hàng, người đó cố tình chạy, rồi bị trúng đạn chết trong lúc tìm cách nhảy qua hàng rào để thoát vô con đường mòn nhìn xa xa thấy có vạt cây xanh mút mắt trong kia.
Tôi nghe ba kể : Tên Việt Cộng bị bắn chết đêm qua, là tên Đặc công muốn ám sát ông Sĩ quan thám báo Tỉnh, chiều đó ông Sĩ quan đi đón con trễ, học trò ùa ra một lát thì ông Sĩ quan tới. Trái lựu đạn tung đúng lúc, nhưng ông Sĩ quan chỉ bị thương. Tội nghiệp bốn đứa trẻ và bà bán hàng rong chết oan, chưa kể có vài người còn trúng miểng, khá nặng. Sau khi thảy trái lựu đạn, tên Đặc công thót lên xe Honda chờ sẳn, mất tiêu.
Ba chép miệng tức tối :
– Giặc ở ngay nách mà mình không hay biết gì hết !
Chuyện ông VC bị bao vây, bị bắn chết… một hai tuần sau lắng xuống. Nhưng từ đó, người ta bắt đầu e dè chị Trúc. Mặc dù chị vẫn được tự do, được ra vào mua bán nhưng cứ mỗi lần chị đi qua là có những ánh mắt căm giận, thương hại, nghi ngờ, sợ sệt, dò xét ngó theo…
Mấy tháng sau, cái bụng của chị u tròn lên, hàng xóm chạy qua nhà mua vải của mẹ nói chị có bầu, có bà còn le lưỡi mỉa mai “Mai mốt xóm mình có thằng VC con, tha hồ ăn lựu đạn !”
Mọi chuyện rồi cũng nguôi ngoai, thỉnh thoảng trong chiêm bao tôi vẫn còn thấy những xác chết hiện về, những đôi mắt u uất của các bà mẹ khiến những lúc đó tôi bàng hoàng thức giấc với tiếng gió kêu như thảng thốt trong bóng đêm đen đặc ngoài cửa sổ. Cho đến một hôm, nấu cơm chiều, thấy mẹ bận rộn kho thịt và hầm chân giò với đu đủ như nấu cho người ăn đẻ, lát sau mẹ kêu tôi phụ bưng qua nhà chị Trúc, thấy tôi ngạc nhiên rồi lắc đầu quầy quậy, mẹ giải thích :
– Cô Trúc sinh con, nằm cử mà không có ai nuôi, nghe nói phải mua cơm tiệm mà ăn, cũng tội nghiệp. Thôi kệ con, ai làm ác người nấy mang tội.
Mẹ tôi được tiếng tốt bụng nào giờ, nên tôi miễn cưỡng nghe lời, tuy vậy, ba và tôi không đồng ý với lối suy nghĩ của mẹ, ba nói :
- Thiếu gì người giúp, sao lại giúp kẻ ác !
Nhà chị Trúc tuy đẹp, nhưng trông quạnh hiu trong khu vườn rộng, um tùm cây cối. Mẹ bấm chuông cổng, hồi lâu có người đàn bà trùm khăn sùm sụp đi ra, tôi nhận ra chị Trúc, mặt mày rầu rĩ buồn bã, xanh lướt, còn yếu lắm. Giọng mẹ xởi lởi, như người nhà :
– Tui nấu ít đồ ăn đem qua, cô ăn cho có sửa em bú. hàng xóm với nhau cô đừng ngại.
Chị Trúc tần ngần rồi mở cửa, mời mẹ con tôi vào. Mẹ đặt đồ ăn trên bàn, hỏi thăm một hồi rồi ngỏ ý muốn vào thăm em bé. Tôi thấy chị chớp mắt như cảm động, khuôn mặt giản ra một nụ cười thật đẹp.
Chị Trúc dẫn mẹ vô bên trong, mẹ kêu tôi ngồi ngoài, chắc mẹ dị đoan không cho con nít vô buồng bà đẻ. Tôi ngồi một hồi, nhớ tới lời người ta nói nhà chị Trúc có VC ? Tôi bỗng nhiên nỗi lên cơn tò mò, vì hồi đó giờ cứ nghe nói VC giựt mìn xe đò, VC pháo kích, VC liệng lựu đạn… Chứ tôi chưa thấy mặt mày của VC như thế nào ? Chưa hình dung ra VC tròn méo làm sao ? Cho nên tôi ngó nghiêng ngó ngửa, khi mắt tôi vừa chạm vào một tấm hình trên đầu tủ thờ thì óc tôi lóe lên “VC ?” Nghĩ tới đó tôi cảm thấy hồi hộp vừa dòm chừng vô cửa buồng vừa mon men tới gần, càng gần…tôi thấy đó là tấm hình một người đàn ông… Tôi càng nhìn càng thấy người đàn ông trong hình như quen quen, có gặp đâu đó… Nhìn một hồi, ngờ ngợ, rồi nhớ ra, tôi hoảng hồn kêu lên :
– Mẹ ơi !
Mẹ lúp xúp chạy ra ngơ ngác :
– Gì con ?
Tôi định nói, thấy chị Trúc đứng im sau lưng mẹ, tôi ấp úng nói lảng :
– Về… mẹ.
Mẹ xoay người lại, vô tình than thở với chị Trúc :
– Khổ ! từ hôm đó tới nay, nó hay kêu hoảng vậy đó !
Chị Trúc sầm mặt, đưa mẹ con tôi ra cửa, không nói gì, rồi lặng lẽ quay vào.
Tôi nhận ra ông trong tấm hình rồi. Chính là người đàn ông đứng trong quán sách chiều hôm đó, nốt ruồi nhô cao dưới cằm làm tôi không thể nào nhận lầm ông ta. Thì ra, lúc đó ông đang chờ…! Bỗng nhiên tôi rờn rợn, khi hình dung ra cảnh…Trời ! Lở hôm đó tôi đứng đâu đó bên ngoài, hoặc là em tôi chạy ra sớm… chắc chắn, chị em tôi là trong số những người hôm đó, đau đớn quằn quại kêu cứu thống thiết trên vũng máu vây khắp vỉa hè. Hoặc là tôi và thằng em nằm vật vờ chết oan ức với những miểng đạn ghim tả tơi khắp cùng mình mẩy… Ghê quá, tôi ớn lạnh không dám nghĩ tiếp nữa…
Vì bị ám ảnh quá sâu đậm, từ đó tôi cứ thấp thỏm, nghi ngại trong lòng, cứ hể thấy ai lấp ló, dáo dác, mặt khắc khổ, hắc ám, lẩn quẩn trong chợ, gần trường học, đứng gần, là tôi hồi hộp… Nhiều lúc giật mình, tưởng tượng, bất thình lình đâu đó, quăng ra…Ầm !.. Bùm !…
Ác như vậy đó, ai mà không sợ. Tôi ước gì đời sống này đừng có VC. Sướng biết mấy !
Bây giờ. Tôi biết chị Trúc đã lập gia đình khác và đang sống đâu đó tại Hoa Kỳ. Nếu chị đọc mẫu chuyện này. Tôi tin, chị biết tôi là ai.!
* thụyvi
No comments:
Post a Comment