Hố chôn người ám ảnh
Trần Đức Thạch
Cựu phân đội trưởng trinh sat
Tiểu đoàn 8 – Trung đoàn 266
Sư đoàn 341 – Quân đoàn 4
Tiểu đoàn 8 – Trung đoàn 266
Sư đoàn 341 – Quân đoàn 4
http://vantuyen.net/2014/04/22/tran-duc-thach-ho-chon-nguoi-am-anh/
Tháng 4/1975, đơn-vị chúng tôi (sư-đoàn 341 thường gọi là đoàn Sông Lam A) phối hợp với sư-đoàn khác đánh vào căn cứ phòng ngự Xuân-Lộc. Trận chiến quyết liệt kéo dài 12 ngày đêm. Tiểu đoàn 8 chúng tôi do hành quân bị lạc nên được giao nhiệm vụ chốt chặn nhằm không cho các đơn-vị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp viện cũng như rút lui. Phải công nhận là sư-đoàn 18 của phía đối phương họ đánh trả rất ngoan cường.
Tôi tận mắt chứng kiến hai người lính sư-đoàn 18 đả trả lời gọi đầu hàng của chúng tôi bằng những loạt súng AR16, sau đó họ ôm nhau tự sát bằng một quả lựu đạn kẹp giữa 2 người. Một tiếng nổ nhoáng lửa, xác họ tung tóe giửa vườn cam sau ấp Bàu Cá. Hình ảnh bi hùng ấy đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tinh thần của người lính đích thực là vậy. Vị Tướng nào có những người lính như thế, dù bại trận củng có quyền tự hào về họ. Họ đã thể hiện khí phách người trai nơi chiến trận. Giả thiết nếu phía bên kia chiến thắng họ sẽ được truy tôn là nhửng người anh-hùng lưu danh muôn thuở. Nhưng vận nước đã đi theo một hướng khác. Họ đành phải chấp nhận tan vào hư vô như hơn 50 thủy-binh quân-lực Việt Nam Cộng-Hòa bỏ mình ngoài biển để bảo vệ Hoàng Sa.
… Nghe tiếng súng nổ ran, tôi cắt rừng chạy đến nơi có tiếng súng.
Đấy là ấp Tân-Lập thuộc huyện Cao Su tỉnh Đồng-Nai bấy giờ. Ấp nằm giữa cánh rừng cao-su cổ thụ. Đạn súng đại-liên của các anh bộ-đội cụ Hồ vãi ra như mưa. Là phân đội trưởng trinh-sát, tôi dễ dàng nhận ra tiếng nổ từng loại vũ khí bằng kỹ-năng nghiệp-vụ. Chuyện gì thế này Tôi căng mắt quan-sát. Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả rạ. Máu trào lai láng, tiếng kêu khóc như ri. Lợi dụng vật che đỡ, tôi ngược làn đạn tiến gần tới ổ súng đang khạc lửa.
- Đừng bắn nữa! Tôi đây! Thạch trinh-sát tiểu đoàn 8 đây!
- Nghe tiếng tôi, họng súng khạc thêm mấy viên đạn nửa mới chịu ngừng.
Tôi quát:
- Địch đâu mà các ông bắn dữ thế? Tý nữa thì thịt cả mình.
Mấy ông lính trẻ tròn mắt nhìn tôi ngơ ngác. Họ trả lời tôi:
- Anh ơi! Đây là lịnh.
- Lệnh gì mà lệnh, các ông mù à? Toàn là dân lành đang chết chất đống kia kìa!
- Anh không biết đấy thôi. Cấp trên lệnh cho bọn em “giết lầm hơn bỏ sót”. Bọn em được phổ biến là dân ở đây ác ôn lắm!
- Tôi mới từ đàng kia lại, không có địch đâu. Các ông không được bắn nữa để tôi kiểm tra tình hình thế nào. Có gì tôi chịu trách nhiệm!
Thấy tôi cương quyết, đám lính trẻ nghe theo. Tôi quay lại phía hàng trăm người bị giết và bị thương. Họ chồng đống lên nhau máu me đầm đìa chảy thành suối. một cụ già bị bắn nát bàn tay đang vật vã kêu lên đau đớn. Tôi vực cụ vào bóng mát rồi giật cuốn băng cá nhân duy nhất bên mình băng tạm cho cụ. Lát sau tôi quay lại thì cụ đã tắt thở vì máu ra quá nhiều. Một chỗ thấy 5 người con gái và 5 người con trai bị bắn chết châu đầu vào nhau. Tôi hỏi người lính trẻ đi theo bên cạnh
- Ai bắn đấy?
- Đại đội phó Hường đấy anh ạ!
Lại nữa tôi ngó vào cửa một gia dinh, cả nhà đang ăn cơm, anh bộ đội cụ Hồ nào đó đã thả vào mâm một quả lựu đạn, cả nhà chết rã rượi trong cảnh cơm trộn máu. Tôi bị sốc thực sự. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ “đi dân nhớ ở dân thương” mà thế này ư? Cứ bảo là Mỹ-Ngụy ác ôn chứ hành động dã man này của chúng ta nên gọi là gì? Tâm trạng tôi lúc đó như có bão xoáy. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra ngay những việc cần làm. Tôi tập trung những người sống sót lại. Bảo chị em phụ nữ ra rừng tổ chức ăn uống nghĩ tạm. Cốt là không cho mọi người chứng kiến lâu cảnh tượng rùng rợn nầy. Đàn ông từ 18 đến 45 tuổi có nhiệm vụ ra sau ấp đào cho tôi một cái hố. Trong ấp ai có xe ô-tô, xe lam, máy cày phải huy động hết để chở người bị thương đi viện. Mọi người đồng thanh:
- Xe thì có nhưng dọc đường sợ bị bộ đội giải phóng bắn lắm!
- Không lo, có tôi đi cùng!
- Tôi giao cho Nghê, một du kích dẫn đường vừa có bố bị bộ đội cụ Hồ sát hại.
- Việc lỡ như thế rồi, chú nén đau thương lại giúp anh. Thu hồi căn cước và tư trang của những người đã chết sau nầy còn có việc cần đến.
Thế là suốt chiều hôm đó tôi lấy một miếng vải đỏ cột lên cánh tay trái. Lăm lăm khẩu AK ngồi lên xe dẫn đầu đoàn lần lượt chở hết người bị thương ra bệnh viện Suối Tre. Tối hôm đó, tôi cho chuyển hết xác người đã chết ra cái hố đã đào. Không còn cách nào khác là phải chôn chung. Trưa ngày hôm sau người ta mới dám lấp. Đây là một ngôi mộ tập thể mà trong hoàn cảnh ấy tôi buộc lòng phải xử lý như vậy. Trời nắng gắt, để bà con phơi thây mãi không được. Một nấm mồ chung hàng trăm người lẫn lộn, không hương khói, không gì hết. tôi cho dọn vệ sinh sạch sẽ những chỗ mọi người bị tàn sát. Xong, mới dám cho đám phụ nữ và trẻ con ở ngoài rừng về. Tôi vượt mặt cả cấp trên để làm việc theo tiếng gọi lương tâm của mình. Bằng mọi nỗ lực có thể để cứu giúp đồng bào. Tưởng thế là tốt, sau nầy nghĩ lại mới thấy hành động của mình giống như sự phi tang tội ác cho những anh bộ đội cụ Hồ. Thú thật lúc ấy tôi vẫn còn một phần ngu tín. Cũng muốn bảo vệ danh dự cho đội quân lính cụ Hồ luôn được ca ngợi là tốt đẹp. Tuy vậy tôi bắt đầu nghi ngờ: “tại sao người ta giết người la liệt rồi bỏ mặc? Chẳng lẽ họ mất hết nhân tính rồi sao?”.
Việc xong tôi gặp Nghê để chia buồn. tôi không tránh khỏi cảm giác tội lỗi. Nghê đã đưa xác bố về chôn tạm ở nhà bếp. Tội nghiệp Nghê quá. Lặn lội đi theo cách mạng, ngày Nghê dẫn bộ đội về giải phóng ấp lại là ngày bộ đội cụ Hồ giết chết bố Nghê. Nghê “mừng chưa kịp no” đã phải chịu thảm cảnh trớ trêu đau đớn. Nghê buồn rầu nói với tôi:
- Hôm qua nghe lời anh. Em thu được 2 nón đồng hồ, tư trang và căn cước của những người bị giết. Sau đó có một anh bộ đội bảo đưa cho anh ấy quản lý. Em giao lại hết cho anh ấy để lo việc chôn Ba.
- Em bị thằng cha nào đó lừa rồi. Thôi quên chuyện đó đi em ạ. Anh thành thật chia buồn với em. Chiến tranh thường mang đến những điều không may tột cùng đau đớn mà chúng ta không thể lường trước được. Anh cũng đang cảm thấy có lỗi trong việc nầy.
…
Đã mấy chục năm qua, khi hàng năm khắp nơi tưng bừng kỷ niệm chiến thắng 30/4 thì tôi lai bị ám ảnh nhớ về hàng trăm dân lành bị tàn sát ở ấp Tân lập. Cái hố chôn người bây giờ ra sao? Người ta sẽ xử lý nó như thế nào hay để nguyên vậy? Tôi muốn quay lại đó để thắp nén hương, nói lời tạ tội. Vô hình chung việc làm tốt đẹp của tôi đã giúp người ta bưng bít tội ác. Không! Người dân ấp Tân Lập sẽ khắc sâu vào xương tủy câu chuyện nầy. Nỗi đau đớn oan khiên ấy chưa thể phai nhòa được. Còn những người tham gia cuộc tàn sát ấy nữa có lẽ họ củng vô cùng dằn vặt khi nhận những tấm huy chương do Đảng và Nhà nước trao tặng sau ngày chiến thắng. Ý nghĩ ấy giúp tôi dũng cảm kể lại câu chuyện bi thương nầy.
Sau ngày giải phóng Miền Nam 30/4/1975 tôi có chụp một kiểu ảnh đang cởi áo, lột sao dang dở. Tôi đem tặng cho một thằng bạn đồng hương chí cốt. Hắn run người mặt tái mét.
- Tao không dám nhận đâu, họ phát hiện ra tấm ảnh nầy quy cho phản động là chết cả nút.
Bạn tôi sợ là đúng. Vì cậu ta là đảng viên. Nhưng điều bạn ấy không hiểu là tôi làm vậy vì cảm thấy hổ thẹn và nhục nhã cho anh bộ đội cụ Hồ khi nghĩ đến cuộc thảm sát ở ấp Tân Lập…
Thời gian trôi, tôi từ một chàng lính trẻ măng ngày nào bây giờ đã là một ông già với mái đầu hoa râm đốm bạc. Vậy mà tôi chưa nói được câu chuyện lẽ ra phải nói. Đôi lúc tôi âm thầm kể lại cho một số bạn bè tin cậy. nghe xong ai củng khuyên “Nói ra làm gì, nguy hiểm lắm đấy”. Và quả thật sống trong xã-hội Xã hội Chủ nghĩa quái đản này, người ta quen thói bưng bít sự thật. Sự thật không có lợi cho Đảng, cho Nhà nước chớ dại mà nói ra, bị thủ tiêu hay vào tù là điều chắc.
Trần Đức Thạch
Cựu phân đội trưởng trinh sat
Tiểu đoàn 8 – Trung đoàn 266
Sư đoàn 341 – Quân đoàn 4
Tin liên quan:
- HỐ CHÔN NGƯỜI ÁM ẢNH 30/04/1975 - Trần Đức Thạch
No comments:
Post a Comment