Thursday, May 1, 2014

• 30 tháng Tư, vết thương chưa lành, vì sao?

30 tháng Tư, vết thương chưa lành, vì sao?

Đã 39 năm trôi qua kể từ khi VN thống nhất, nhưng đảng và nhà nước cộng sản vẫn không sao thống nhất được lòng dân. Một bằng chứng rõ ràng nhất của sự thất bại đó là từ mấy năm qua, và năm nay càng vậy,
Song Chi.
30.4.1975-30.4.2014.

Không biết những dân tộc đã từng phải trải qua những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, sau đó họ phải mất bao nhiêu thời gian để phục hồi hoàn toàn vết thương từ cuộc chiến, nhưng đối với dân tộc VN, thì phải nói là quá lâu.



Đã 39 năm trôi qua kể từ khi VN thống nhất, nhưng đảng và nhà nước cộng sản vẫn không sao thống nhất được lòng dân. Một bằng chứng rõ ràng nhất của sự thất bại đó là từ mấy năm qua, và năm nay càng vậy, nhà cầm quyền vẫn cứ phải lên tiếng kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng những lời kêu gọi suông này cũng chẳng đem lại được bao nhiêu kết quả.






Còn trong lòng người dân, nếu lướt qua các tờ báo lớn ở bên ngoài nước, những trang blog cá nhân cho đến trang mạng xã hội có nhiều người Việt dùng nhất hiện nay như facebook, sẽ thấy ngay vết thương 30 tháng tư, 1975, vẫn chưa hề lành, và cứ vào ngày này, lại rỉ máu.

Câu hỏi là tại sao như vậy?
Có thể đối với một số người sinh ra sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, không quan tâm lắm đến chuyện chính trị xã hội, hay những người cho đến bây giờ vẫn chưa thoát ra khỏi sự tuyên truyền một chiều của nhà nước cộng sản, sẽ lấy làm khó hiểu điều này. Còn đối với nhà cầm quyền, họ vẫn thường đổ lỗi cho sự thất bại của việc hòa hợp hòa giải lâu nay là do các thế lực thù địch chống phá, do những kẻ thuộc bên thua cuộc còn giữ lòng thù hận, kể cả do một số lượng kiều bào ở hải ngoại trước đây đã bỏ nước ra đi vì không chấp nhận được chế độ mới v.v…






Có phải như vậy?
Trên các trang blog, trên facebook, có thể thấy ngày càng rõ, một sự thay đổi, dịch chuyển theo thời gian, đó là những giọng điệu tuyên truyền, vui mừng kể công, bôi xấu chế độ Sài Gòn của “bên thắng cuộc”, bao gồm cả các phóng viên báo đài nhà nước cho đến đám dư luận viên trên mạng rõ ràng bị áp đảo bởi chiều hướng ngược lại. Từ sự hoài niệm, tiếc nuối những ngày tháng sống ở miền Nam tự do, sung túc trước 30.4.1975, nỗi đau buồn trước cái chết của một chế độ và bi kịch của một dân tộc bởi những bước đi lạnh lùng nghiệt ngã của lịch sử, cho tới sự phẫn nộ, những lời phê phán ngày càng mạnh mẽ dành cho chế độ hiện tại do đảng và nhà nước cộng sản cầm quyền.

Và xu hướng này không phải chỉ được viết, nói lên bởi những người thuộc “phe thua cuộc”, hay những người có mối thù hận cụ thể với nhà nước cộng sản. Những người viết rất đa dạng, có thể thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, sinh ra trước, trong hay sau khi cuộc chiến kết thúc; thuộc nhiều thành phần khác nhau, có thể sống ở miền Nam hay miền Bắc, trong hay ngoài nước; có thể trực tiếp, gián tiếp liên quan đến chế độ VNCH mà cũng có thể lớn lên hoàn toàn dưới môi trường “cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN”.

Người ta có thể viết về những ngày tháng sống dưới chế độ miền Nam, những kỷ niệm của mình, của gia đình, bạn bè về cái ngày 30 tháng Tư, 1975, nhưng cũng có thể về những nhận thức của mình sau 39 năm, về xã hội VN ngày hôm nay, về chế độ hiện tại…

Nhưng nhìn chung, vẫn là nói về một vết thương chưa lành.
Thói thường người ta chỉ tiếc nuối một chế độ khi cái chế độ mới chưa bằng được cái cũ.

Chế độ VNCH cũng có nhiều khiếm khuyết, nhất là trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh, nhưng rõ ràng những cái xấu của chế độ cũ, từ khoảng cách giàu nghèo, tham nhũng, một số tệ nạn xã hội như xì ke, gái điếm…thì chế độ mới đều có, nhưng ở mức độ lớn hơn, nặng nề hơn gấp nhiều lần, thậm chí ví như một căn bệnh ung thư đã ở giai đoạn thối rữa, không còn có thể chữa trị.

Còn những cái tốt đẹp đã có ở chế độ cũ thì cho đến nay chế độ mới vẫn không làm được, từ sự tự do dân chủ trong tư tưởng, học thuật, văn nghệ, đời sống, một nền giáo dục tốt hơn hẳn với triết lý “dân tộc, nhân bản, khai phóng”, một nền văn học nghệ thuật trăm hoa đua nở, một nền pháp trị bước đầu được xây dựng vững vàng, đời sống đạo đức xã hội được duy trì…Quan trọng hơn, xét về nhiều mặt, miển Nam VN thời đó trong tương quan so sánh với các nước láng giềng ở Đông Nam Á và Đông Á ra sao trong khi VN hiện tại so với các nước chung quanh thế nào.

Nên không có gì ngạc nhiên khi 10, 20, 30, và 39 năm rồi người ta cứ quay về so sánh Sài Gòn xưa với TP.HCM bây giờ, miền Nam xưa và cả nước bây giờ.

Nên không có gì ngạc nhiên vào trước, trong và ngay sau cái ngày chế độ đó bị bức tử, đã có những tướng tá, cho đến người lính tự sát theo, và suốt 39 năm qua, lá cờ vàng của VNCH vẫn được những người Việt rời nước ra đi mang theo bên mình, và tung bay ở bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt ly hương sinh sống.

Nhưng điều đó không phải là lý do duy nhất và có lẽ, cũng chỉ phù hợp với những người từng có liên quan trực tiếp, gián tiếp hoặc từng tìm hiểu về chế độ VNCH. Đằng này, tâm trạng cay đắng, phẫn nộ còn có trong cả những người thuộc “phe thắng cuộc” và ngày càng nhiều hơn.

Từ những người đảng viên cộng sản kỳ cựu, những người thuộc lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, cho đến thế hệ sinh ra và lớn lên hoàn toàn dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ nhận ra cha anh mình rồi ngay chính bàn thân mình bị lừa, cả dân tộc này bị lừa, nhận ra mình đã sai lầm và cái sai lầm của họ góp phần tạo dựng nên cái chế độ tệ hại này, cũng như tội ác của đảng và nhà nước cộng sản gây ra cho đất nước và dân tộc là vô cùng to lớn…

Nếu VN sau 39 năm trở thành một quốc gia phát triển, thịnh vượng, người dân được sống trong một xã hội tự do, dân chủ, no ấm, công bằng, hơn hoặc ít nhất cũng ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…, khiến các nước chung quanh phải nhìn người Việt bằng một con mắt nể trọng chứ không phải khinh thường như hiện tại, có lẽ vết thương ngày 30 tháng Tư, 1975 đã tự động lành lặn. Với tất cả mọi người, ở nhiều phía khác nhau. Ngay cả những người thuộc phe thua cuộc, những người đã phải trải qua bao nhiêu thiệt thòi, mất mát do chế độ này gây ra, những người phải liều mình bỏ nước ra đi và từng trả giá rất đắt…

Tất cả sẽ vì niềm vui chung trước một VN tốt đẹp để quên đi mọi chuyện cũ.

Cứ năm nào cũng nghe nhà cầm quyền nói về hòa hợp hòa giải, nhưng sự thật, người Việt với nhau dù thuộc bên nào, dù ở trong hay ngoài nước, có cần phải hòa hợp hòa giải gì với nhau đâu, vì đối tượng căm giận của mọi người là nhà nước này, là chế độ này. Chính đảng và nhà nước cộng sản cùng với đường lối, mô hình thể chế chính trị sai lầm là nguyên nhân đưa tới tình hình xã hội VN như hiện tại. 

Chính đảng và nhà nước cộng sản mới cần phải hòa giải hòa hợp với nhân dân, và muốn vậy, 
  • họ phải từ bỏ mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng, 
  • cải cách triệt để thành một quốc gia tự do, dân chủ, đa đảng, pháp trị. 
Còn nếu không, người dân sẽ tự làm điều đó.



Và chỉ đến lúc đó, vết thương ngày 30 tháng Tư mới thôi rỉ máu, để mỗi năm đến ngày 30 tháng Tư, chúng ta sẽ không còn có những cảm xúc tiêu cực, kể cả bế tắc, như lâu nay.

No comments:

Post a Comment