Trần Hồng Tâm - Cựu trung úy QĐND
Khi đoàn quân của tướng Giáp tiến vào Hà Nội, hàng triệu đồng bào công giáo miền Bắc bỏ xứ đạo ra đi trong khóc than uất hận. Khi những quân đoàn của Ông vây hãm Sài gòn, người Sài gòn tức tưởi trong sinh ly tử biệt. Hôm nay, Ông trở về cát bụi. Người ta khóc Ông. Tôi nhận ra những bi kịch và cả những nghịch lý trong từng giọt nước mắt của mỗi nạn nhân.
Những chàng trai chân đất cần cù đã nén bỏ những khát khao thầm kín, nhân bản, để trở thành những con người thép, rực lửa căm thù, quăng mình vào lửa đạn. Chiến tranh kết thúc, vòng nguyệt quế cho người chiến thắng là chiếc khung xe đạp trên vai, chiếc đồng hồ ba cửa sổ trên tay về quê lấy vợ sinh con. Những đứa con sơ sinh được quấn trong mớ tã lót còn vương mùi thuốc súng, được nghe tiếng ru của cha là những bài ca của người chiến thắng.
Tuổi tới trường, chúng lại được nhuộm đỏ thêm lần nữa bởi nền giáo dục đã được chính trị hóa đến từng nét chữ.
Tiếng bom càng lùi xa thì tiếng loa truyền thanh càng gần. Tin tức bị thao túng. Lịch sử được nhào nặn. Văn – nghệ chỉ được sáng tạo theo định hướng. Đảng được tôn lên bậc chí thánh. Việc điều khiển quốc gia diễn ra trong bóng đêm. Phẩm hàm được ban phát cho những ai biết ngoan ngoãn vâng lệnh. Quả đấm chuyên chính tung ra cho những kẻ cứng đầu.
Tất cả gia đình, nhà trường, và xã hội như một giàn giao hưởng hùng vĩ để dệt lên những công dân “sùng bái”. Thế hệ cha anh sùng bái đến cuồng tín sẵn sàng nhẩy vào vạc dầu để được ơn của đảng. Thế hệ con em sùng bái đến cả tin. Tin vào những điều mà mình chưa hiểu.
Tôi sẽ buồn, nếu con trai tôi chọn thần tượng là một thiên tài quân sự, bởi chiến tranh là những cuộc chinh phạt tha nhân.
Điều làm tôi xót xa hơn tất cả là nạn sùng bái không thể sinh ra một thế hệ công dân tự tin, trong sáng, giỏi giang, tháo vát. Sùng bái chỉ sinh ra những bầy tôi vâng lời, khúm núm qụy lụy, và nhu nhược. Những cuộc “lên đồng” than khóc tập thể chỉ thấy ở những quốc gia độc tài, bưng bít và lạc hâu.
KHÓC VÕ NGUYÊN GIÁP & KHÓC KIM JONG IL
Có người đánh giá công của Ông bằng số người đến dự đám tang, bằng số giọt nước mắt lăn trên gò má. Nhưng người ta lại quên rằng nếu có một sân chơi công bằng, số người phản đối Ông cũng chẳng kém gì. Nỗi đớn đau của nhiều người dân nước Việt chưa hẳn đã nguôi.
Có người còn sùng bái đến mức phải kiến nghị với đảng để tấn phong Nguyên soái, phong Anh hùng dân tộc, hiển thánh, lập miếu thờ để Ông được ngang tầm với Trần Hưng Đạo. Tại sao chúng ta không chấp nhận một sự thực rằng có đến hơn nửa công dân nước Việt coi đội quân của Ông là đạo quân xâm lược, và những cuộc chiến tranh mà Ông phát động là cuộc áp đặt chủ nghĩa cộng sản và giành độc quyền lãnh đạo quốc gia.
Xin bạn đừng nổi nóng, buộc tôi vào tội khi quân. Việc đánh giá di sản của tướng Giáp để lại cho dân tộc chưa bắt đầu. Những gì bạn biết đều rất phiến diện bởi nó được viết ra bởi nhóm người quá sùng bái Ông. Chỉ khi nào quê hương chúng ta có được một nền dân chủ lành mạnh, mọi nhận thức đều được lắng nghe, mọi sự kiện phải được nhìn qua nhiều lăng kính, mọi khoảnh khắc phải được tái hiện, mọi vùng tối phải được chiếu sáng, mọi bằng chứng phải được khai quật, lúc đó mới ngã ngũ.
Chiến thắng không luôn có nghĩa là “Đúng”. Chiến bại không luôn đồng nghĩa với “Sai”.
Rất nhân bản khi chúng ta khóc cho một người vừa mất. Nhưng có lẽ cũng nên giành nước mắt cho những nấm mồ không hương khói của cả hai bên. Và, nhất là giành lại chút nước mắt khóc cho chính số phận mình đang chìm đắm nơi bờ mê bến lú.
Trần Hồng Tâm - Cựu trung úy QĐND
No comments:
Post a Comment