Monday, March 20, 2023

ĐÀ NẴNG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG - Pháo Thủ Phạm Thành Nhân

ĐÀ NẴNG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG
Pháo Thủ Phạm Thành Nhân
Sau khi toàn bộ các đơn vị của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh rút khỏi Quảng Trị thì tại Đà Nẵng tình hình trở nên căng thẳng, dân chúng bắt đầu nhốn nháo, những chiếc xe đủ loại chất đầy người xuôi về Nam rời bỏ thành phố và thành phố trở nên hỗn loạn, cảnh tượng không khác gì vào những ngày đầu tháng Tư năm 1972 tại Quảng Trị.

Pháo đội đóng tại Đại Lộc và theo lệnh của Đại úy Pháo Đội Trưởng, Thiếu úy Dương Xuân Cầu trung đội trưởng dẫn 1 trung đội và 2 khẩu đại bác 105ly đến đóng vị trí cũng thuộc quận lỵ Đại Lộc nhưng gần con đường để đi lên Thường Đức, nơi đã xảy ra trận đánh đẫm máu giữa Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù và quân cộng sản Bắc Việt tại ngọn đồi 1062.

Vấn đề tác xạ yểm trợ cho các đơn vị bạn rất hạn chế, 1 quả đạn đại bác được bắn đi phải có lệnh theo từng hệ thống chỉ huy cho nên đó là điều bất lợi cho quân bạn khi bị địch quân tấn công. Hàng ngày, với nhiệm vụ của 1 trung đội phó, tôi kiểm soát các loại đạn phòng thủ của 2 khẩu đội như: đạn chiếu sáng, đạn chống biển người (còn gọi là tổ ong), đạn khói, và một số đạn với đầu nổ chạm để sẵn sàng yểm trợ cho quân bạn.

Cho đến chiều ngày 28 tháng 3 năm 1975, trong lúc nhận lệnh của thiếu úy trung đội trưởng, đi kiểm soát lại các vọng gác trước khi trời tối, tôi thấy 1 toán quân bạn từ trong núi di chuyển ngang qua trung đội, tôi vội chận một người lính lại để hỏi:
– Các anh đi đâu vào lúc trời tối như thế này?
Người lính tác chiến trả lời:
– Tụi tôi được lệnh di chuyển về thành phố Đà Nẵng.
Tôi vội chạy vào căn lều của Thiếu úy Cầu la lớn:
– Anh Cầu ơi! Anh em tác chiến họ rút đi rồi, bây giờ chỉ còn trung đội của mình nằm ở đây thôi.
Thiếu úy Cầu hỏi lại tôi:
– Mày có chắc là họ rút đi hết không?

Nói xong Thiếu úy Cầu gọi máy về pháo đội và được lệnh của Đại úy Pháo đội trưởng là trung đội chuẩn bị sẵn sàng di chuyển khi có lệnh.

Đến khuya thì trung đội mới được lệnh xếp càng súng móc vào chiếc Cargo 4 tấn và cuối cùng thì tôi nói với 2 người khẩu trưởng tháo máy nhắm và chuẩn bị lên đường.

Lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi, 1 trung đội với 2 khẩu đại bác 105ly di chuyển giữa đêm khuya mà không có 1 đơn vị tác chiến nào bảo vệ pháo binh. Thiếu úy Cầu ngồi xe trước dẫn đường và tôi ngồi xe sau, tất cả pháo thủ trên 2 chiếc xe được lệnh súng cá nhân chỉa ra hai bên đường.

Đoàn xe mở đèn mắt mèo đi trong đêm tối và về đến phi trường Đà Nẵng lúc 2 giờ sáng trong lúc phi trường đang bị cộng quân pháo kích, từng loạt các phi cơ đủ loại của không quân cất cánh cho đến khi trời vừa hừng sáng. Trung đội được lệnh di chuyển xuống bãi biển Non Nước để sáp nhập chung cùng pháo đội và sẽ có tàu của Hải Quân vào đón.

Bãi biển Non Nước buổi sáng sương mù dầy đặc biển động mạnh, xa xa trong lớp sương mù thấp thoáng bóng dáng của những chiến hạm, trên mặt biển những xác người cộng với những chiếc phao bằng vỏ xe trôi bồng bềnh theo cơn sóng bạc đầu tắp vào bờ rồi cũng theo con sóng đó trôi ra biển khơi.

Bãi biển đông nghẹt người kể cả thường dân cũng như một số quân nhân của các binh chủng khác. Cảnh hỗn loạn và kinh hoàng xảy ra khi một chiến hạm đang tiến vào bờ, mọi ngườichạy xuống nước để giành nhau lên tàu thì nhiều loạt súng nổ vào đám người, thủ phạm là 1 nhóm quân nhân vô kỷ luật và một số quân phạm thoát ra được từ quân lao Đà Nẵng, chúng bắn xối xả để ngăn chận đám người đang lội xuống nước để giành lên tàu. 

Trung sĩ Nguyễn Duy Hinh thuộc pháo đội P tân lập của pháo binh Thủy Quân Lục Chiến đang đứng trên bãi biển bất ngờ bị 1 chiếc thiết vận xa M113 chạy điên cuồng đâm vào đám đông, Trung sĩ Hinh bị cán nát đùi phải, nằm giãy giụa một lúc rồi bất động. Cách đó không xa, Trung úy Nguyễn văn Hòa thuộc pháo đội 1 Tiểu Đoàn 3 Nỏ Thần Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến ôm xác người em gái bị trúng đạn của bọn quân nhân vô kỷ luật bắn bừa bãi để chúng giành nhau bơi ra tàu. Trong khi mọi người vội vã bơi ra biển, có 1 bóng người nghiêng nghiêng đổ dưới ánh nắng mặt trời trên tay bồng xác người em gái tóc xõa tung bay trong cơn gió lộng, anh lững thững đi ngược về thành phố Đà Nẵng.

Mọi người bắt đầu bơi ra tàu, Thiếu úy Cầu đứng chần chừ một lát rồi nói với tôi:
– Nhân ơi! Tao không biết bơi.
– Sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến mà không biết bơi, chán anh quá! Tôi trả lời Thiếu úy Cầu rồi quay lại nói với 2 người lính:
– Thằng Văn và Tòng, 2 đứa tụi bây kè Thiếu úy Trung đội trưởng bơi ra tàu.

Con sóng dữ của ngày biển động nhiều lúc lại đẩy ngược tôi vào bờ, cho đến khi bơi gần đến con tàu thì tôi đuối sức và chìm xuống, chung quanh nước đen ngòm, tôi đang vùng vẫy thì bỗng tay chạm vào 1 sợi dây thừng, tôi nắm lấy và giựt mạnh và thấy thân thể mình nhẹ bổng và từ từ được kéo lên mặt nước, mấy người thủy thủ của chiến hạm kéo tôi lên bửng tàu nằm thở dốc, sau này tôi được 1 thủy thủ kể lại rằng khi thấy 1 người lính Thủy Quân Lục Chiến đang chìm xuống, anh và 1 thủy thủ nữa đã quăng sợi dây thừng xuống để cứu tôi.

Xin cám ơn người lính thủy đã cứu tôi thoát chết để đến ngày hôm nay tôi còn ngồi đây để viết những dòng chữ này cũng như xin cám ơn vị hạm trưởng và tất cả thủy thủ đoàn của Hải Vận Hạm Lam Giang HQ402 đã cứu vớt các chiến hữu cũng như đồng đội của tôi trong hoàn cảnh đầy nguy hiểm và khó khăn của ngày 29 tháng 3 năm 1975. Một lời cám ơn chân thành nhất sau 39 năm dù là muộn màng.

Đến khoảng nửa đêm thì tất cả mọi người trên chiếc HQ402 được lệnh chuyển qua 1 chiến hạm lớn (hình như là HQ5), mọi người được lệnh bỏ lại vũ khí cá nhân trên sàn tàu và theo ánh đèn pha chiếu thẳng từ chiến hạm HQ5 leo thang lưới được thả ngang hông tàu và leo sang và đến hôm sau thì đổ chúng tôi xuống quân cảng Cam Ranh.

Ngày hôm sau trung đội lại được lệnh lên trấn đóng 1 ngọn đồi gần bờ biển, không thể tưởng tượng được là 1 ông sĩ quan trung đội trưởng không 1 khẩu súng, dù là súng colt và 1 trung đội lính cũng không 1 khẩu súng cá nhân không 1 trái lựu đạn dẫn nhau lên núi đóng quân. Thiếu úy Cầu lầm bầm chửi thề:
– Đéo mẹ bố tiên sư, không súng ống lên đây làm cái gì? Việt Cộng nó mà tấn công thì chết cả đám, bố khỉ.
Tôi cười cười chọc:
– Thì cắt trái lựu đạn da cơ hữu ra quăng vào mặt nó.
Đám lính cười ồ lên, Thiếu úy Cầu trừng mắt nhìn tôi trả đuã:
– Mày cắt trước làm gương đi.
Trời đã tối hẳn, 2 anh em trải tấm poncho nằm cạnh bên nhau, kể lại cho nhau nghe về đời quân ngũ, 7 năm làm lính, 7 năm cầm súng đánh giặc vào sinh ra tử, đi khắp vùng chiến thuật, từ làng mạc xa xôi hẻo lánh đến những vùng sình lầy và trên những đỉnh núi cao của dãy Trường Sơn, miền địa đầu giới tuyến, Khe Sanh, Cam Lộ, Gio Linh, Ái Tử, v.v. rồi đến trận chiến Cổ Thành Quảng Trị, không bao giờ có thể ngờ rằng ngày hôm nay, đêm nay nằm đây, không 1 khẩu súng trong tay trong khi chiến tranh chưa kết thúc.

Một buổi trưa hè trên 1 ngọn đồi của vịnh Cam Ranh ánh nắng lấp lánh chiếu qua cành lá, viên thiếu úy trẻ nói với người trung đội phó của mình về một cuộc chiến đang tàn...

Đã 39 năm trôi qua, 39 lần của Tháng Ba, không phải chỉ có 1 lữ đoàn của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến bị gẫy súng mà là 1 sự đổ vỡ toàn diện để đưa 1 đất nước đã ròng rã chiến đấu trong hơn 20 năm với những trận đánh kiêu hùng của người lính Việt Nam Cộng Hòa để rồi chấm dứt trong nỗi uất hận, tức tưởi.

Có những câu chuyện được nghe kể lại rồi sẽ quên đi, nhưng có chứng kiến tận mắt những cảnh tượng đau thương, oan nghiệt chắc chắn sẽ không bao giờ quên.

Người hạ sĩ quan xấu số năm xưa thân xác đã chôn vùi trong cát của bãi biển Non Nước hay đã cuốn theo con sóng ra ngoài biển khơi nghìn trùng trôi đi và trôi mãi.
Người sĩ quan bồng xác người em gái có còn ở lại thành phố cũ hay đã trôi theo dòng đời lưu lạc phương nào.

Tháng Ba trời buồn, gió cao.
Pháo Thủ Phạm Thành Nhân
Share Hồi ký , Bút ký , Sử ký VNCH $ VC

No comments:

Post a Comment