Tuesday, December 5, 2023

Kissinger – người kiến tạo hòa bình hay tội phạm chiến tranh? Hiếu Chân

Kissinger – người kiến tạo hòa bình hay
tội phạm chiến tranh?
Hiếu Chân - Anka Pham
Sự kiện ông Henry Kissinger qua đời hôm 29 Tháng Mười Một đã khơi lại những cuộc tranh cãi bất tận về đóng góp cũng như tội lỗi của nhà ngoại giao kỳ cựu nhất nước Mỹ. Mỗi người, từ hoàn cảnh và chỗ đứng của mình, đều có cách đánh giá riêng về nhân vật đã góp phần định hình thế giới hậu bán thế kỷ 20. Nhưng với những người Việt quốc gia, tên tuổi Kissinger luôn gợi lại một niềm cay đắng.

Ông Kissinger là người rất thông minh và quyết đoán, nhưng rất xảo quyệt. Thuyết ngoại giao thực dụng (realpolitik) của ông xoay quanh cái triết lý “cứu cánh biện minh cho phương tiện,” sẵn sàng làm những gì có lợi, bất chấp luật pháp và đạo lý. Realpolitik đã có từ lâu nhưng được ông Kissinger nâng lên thành học thuyết, thành kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của nhiều chính phủ Mỹ, kéo dài đến tận ngày nay và gây hại không nhỏ cho uy tín và vị thế của Hoa Kỳ. 


Thất bại lớn nhất của học thuyết realpolitik Kissinger là không bao giờ quan tâm đến khát vọng tự do dân chủ của những dân tộc nhược tiểu. Nó thể hiện một tầm nhìn thiển cận, bắt tay với các chế độ độc tài để trục lợi mà đi ngược truyền thống tôn trọng tự do, dân chủ nhân quyền vốn là nền tảng của nước Mỹ.

Nhiều cây bút viết tiểu sử cho rằng, trong đời mình ông Kissinger hành động chỉ vì lợi ích của nước Mỹ và là nhà thương thuyết đại tài đã đưa nước Mỹ tránh khỏi những vụ đụng độ nguy hiểm với Liên Xô và Trung Quốc; ông ta là sứ giả hòa bình, đáng khen hơn đáng trách. Ông Walter Isaacson, người viết tiểu sử ông Kissinger năm 1992, nhận định: “Cơ cấu hòa bình mà Kissinger thiết kế đã đặt ông ta ngang hàng với Henry Stimson, George Marshall và Dean Acheson trên đỉnh ngôi đền thờ các chính trị gia Hoa Kỳ hiện đại.”
Có thật vậy không? Nhìn lại cuộc đời một thế kỷ của ông Kissinger, nhất là giai đoạn ông tham chính, cái mà người ta thấy rõ nhất là ông Kissinger đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vô số những cái chết oan khuất tới mức có thể truy tố ông ta về tội ác chiến tranh.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2001 “Xét xử Henry Kissinger” (Trial Henry Kissinger) nhà văn Christopher Hitchens cho rằng ông Kissinger phải bị xét xử theo luật quốc tế vì đã “ra lệnh và chủ trì việc tiêu diệt các cộng đồng dân cư, ám sát các chính trị gia bất đồng, bắt cóc và thủ tiêu các binh lính, nhà báo và tu sĩ cản đường ông ta.” Một số hoạt động chính của ông Kissinger trong thời gian làm cố vấn an ninh quốc gia cho các tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford chứng minh điều đó.


Năm 1969, ngay sau khi được Tổng Thống Nixon bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia, ông Kissinger đã đề ra chiến dịch mang mật danh Operation Menu, ném bom rải thảm xuống lãnh thổ Cambodia, được cho là nơi Việt Cộng và quân Bắc Việt đặt căn cứ để tiến hành chiến tranh tại miền Nam Việt Nam.

Theo những tài liệu mới giải mật, từ 1969 đến 1972, theo lệnh ông Kissinger, Không Quân Mỹ đã thực hiện 3,875 phi vụ oanh tạc vào các tỉnh miền Đông Cambodia giáp Việt Nam, ném nửa triệu tấn bom và giết chết hơn 150,000 người, đa số là thường dân. Chính ông Kissinger là người nói câu nói khét tiếng, hãy bắn vào “tất cả cái gì bay được, chuyển động được” (“anything that flies or anything that moves) mà sau này thường bị gán ghép cho chiến thuật vô nhân đạo của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Cuộc xâm lăng trái luật quốc tế của Mỹ vào nước Cambodia trung lập là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của phong trào Khmer Đỏ được Trung Cộng và Việt Cộng hậu thuẫn, phong trào mà sau này đã đưa Cambodia vào cuộc diệt chủng kinh khủng nhất trong lịch sử hiện đại. Trả lời nhà báo Evan Solomon năm 2003 về sự kiện Cambodia, ông Kissinger trâng tráo nói rằng “không có người trong các thôn làng” [bị ném bom] và tuyên bố “tôi không có gì phải ân hận” (I have no… I have no regrets)!

Năm 1970, ông Kissinger đặt ra chiến dịch Operation Fubelt, chỉ đạo CIA ám sát tổng tham mưu trưởng quân đội Chile là Raul Schneider, đưa Tướng Augusto Pinochet lên thay. Sau đó Mỹ giúp ông Pinochet làm cuộc đảo chính quân sự Tháng Chín, 1973, lật đổ tổng thống dân cử Salvador Allende mà ông Kissinger cho là thân cộng, đưa ông Pinochet lên nắm quyền, kẻ sau này đã thiết lập ở Chile một chế độ độc tài quân phiệt khét tiếng đến tận năm 1990.

Năm 1971, ông Kissinger bí mật đến Trung Quốc qua ngả Pakistan nhờ sự hỗ trợ của nhà độc tài Agha Muhammad Yahya Khan lãnh đạo nước này. Để trả công môi giới của Yahya, ông Kissinger đã không chỉ làm ngơ mà còn hỗ trợ vũ khí cho Pakistan tiêu diệt người Bengali ở Đông Pakistan (Đông Hồi) khi họ bỏ phiếu tán thành việc lập nước Bangladesh độc lập. Cuộc diệt chủng của Pakistan năm 1971 làm hơn 300,000 người Bengali ở Đông Hồi bị giết. Giáo Sư Gary Bass của Đại Học Princeton cho rằng sự ủng hộ của chính quyền Nixon-Kissinger cho vụ diệt chủng Bangladesh là “một trong những chương đen tối nhất thời Chiến Tranh Lạnh.”

Sự thông đồng của Mỹ với Pakistan khi ấy cũng là yếu tố chính đẩy Ấn Độ – nước lớn nhất khu vực – vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô trong một mối quan hệ hợp tác kéo dài tới ngày nay mà chính quyền Joe Biden đang cố gắng hóa giải.

Ông Kissinger bí mật đến Bắc Kinh sắp xếp cho chuyến công du Trung Quốc năm 1972 của Tổng Thống Nixon và mở ra thời kỳ mới trong quan hệ Trung-Mỹ. Ông Kissinger đã soạn thảo để ông Nixon ký với ông Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc khi ấy, bản thông cáo chung Thượng Hải, làm nền cho chính phủ Mỹ sau đó cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đưa Bắc Kinh vào ghế thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Sự kiện ông Kissinger đi Bắc Kinh đã được nói nhiều trong vô số sách báo, xin phép không bàn đến nữa, chỉ xin lưu ý rằng, nếu không có thông cáo chung Thượng Hải 1972 sẽ không có Trung Quốc ngày nay và đó là lý do ông Kissinger luôn được đảng Cộng Sản Trung Quốc tôn vinh là “một người bạn” và đón tiếp trọng thị mỗi khi ông ta tới Bắc Kinh.

Với người Việt Nam, ông Kissinger là điển hình của sự tráo trở vô liêm sỉ. Khi nghe tin ông Kissinger chết, đã có nhiều người Mỹ gốc Việt lên mạng nguyền rủa, cầu cho ông ta đọa xuống hỏa ngục vì đã phản bội đồng minh, tiếp tay cho Cộng Sản thôn tính miền Nam và đưa cả đất nước vào chế độ độc tài toàn trị hà khắc.

Trên đây chỉ là vài chính sách và hành động chính của ông Kissinger trong thời gian nắm quyền lực vô đối về đối ngoại của Mỹ. Những chính sách đó có thật sự phục vụ lợi ích của nước Mỹ hay không? Chúng tôi cho rằng, lợi ích trước mắt là có nhưng về chiến lược thì lợi bất cập hại.

Đi đêm với Cộng Sản Bắc Việt, bỏ qua chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thậm chí dối trá với cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Thống Nixon, ông Kissinger đạt được mục đích rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Việt Nam, bảo đảm cho ông Nixon thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1972. Nhưng hành động bỏ rơi đồng minh đã để lại một vết nhơ không thể gột rửa trong uy tín chính trị của Mỹ, tạo một tiền lệ rất xấu để các nước nhìn vào đó mà suy ngẫm.

“Làm đồng minh của Mỹ thì cũng nguy hiểm như làm kẻ thù của Mỹ” là bài học mà các chính trị gia thế giới đúc kết từ vụ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa do ông Kissinger thiết kế.

Thậm chí, năm 2021, khi Tổng Thống Joe Biden tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại” thì các nhà lãnh đạo và công chúng nước ngoài tỏ ý không tin vì họ vẫn còn bị vụ Mỹ tháo chạy khỏi Việt Nam Cộng Hòa ám ảnh. Làm đối ngoại mà để mất lòng tin, để đối tác nghi ngờ là một sự thất bại đau đớn mà ông Kissinger gây ra cho nước Mỹ.

Ông Kissinger ve vãn Trung Quốc, những tưởng sẽ khai thác được vết rạn nứt trong khối Cộng Sản quốc tế, giữa Bắc Kinh và Moscow. Đi xa hơn, ông Kissinger đã nhân nhượng vô nguyên tắc trong nhiều vấn đề đối ngoại với ý đồ lôi kéo Trung Quốc vào cái trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Nhưng thực tế cho thấy đó chỉ là ảo vọng liều lĩnh. 

Trung Quốc đã khai thác sự nhân nhượng của Mỹ để thoát ra khỏi nghèo đói và cô lập, trở thành một cường quốc toàn cầu, nhưng vẫn là một chế độ độc tài toàn trị; quan hệ Bắc Kinh-Moscow không sụp đổ mà trái lại, đã trở thành “hợp tác không giới hạn;” Trung Quốc không trở thành bạn như ông Kissinger nghĩ mà là một “đối thủ chiến lược” của thế giới dân chủ tự do khiến Hoa Kỳ phải đối phó vất vả.

Xem ra dù thông kim bác cổ, ông Kissinger vẫn chưa hiểu rõ người Cộng Sản, nhất là Cộng Sản phương Đông thâm trầm và xảo quyệt như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Tập Cận Bình – những kẻ gối đầu giường sách Tư Bản Luận của Karl Marx và binh pháp Tôn Tử.

“Cái quan luận định,” người ta đã nói về ông Kissinger hàng chục năm qua, và sẽ tiếp tục nói về di sản hết sức phức tạp của ông ta trong nhiều tuần lễ nữa. Mặc dù ông Kissinger đã viết rất nhiều sách, đọc rất nhiều diễn văn tại các hội nghị quốc tế để bào chữa và bảo vệ sự nghiệp của mình nhưng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông ta vẫn không tránh được lời lên án nặng nề của “một nửa thế giới” là những nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của hành động của ông ta.

Ông Kissinger đã chết nhưng tàn dư của học thuyết realpolitik mà ông ta cài vào đường lối ngoại giao Mỹ vẫn còn đó. Các tổng thống Mỹ gần đây vẫn thường hỏi ý kiến của ông Kissinger về những vấn đề đối ngoại, rất lâu sau khi ông ta từ giã chính trường. Và nếu không thận trọng, chính quyền Biden hiện nay hoàn toàn có thể đi vào vết xe đổ mà ông Kissinger để lại. 
-------------------

Steven Lam
Henry Kissinger – “kẻ thù” của một nửa thế giới – vừa vĩnh viễn ra đi
Mỹ Anh (29 tháng 11, 2023)
Henry Kissinger, học giả, chính khách và nhà ngoại giao nổi tiếng, người từng nắm quyền lực vô song đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ suốt thời Richard M. Nixon và Gerald Ford, vừa qua đời, ở tuổi 100, vào ngày 29 Tháng Mười Một tại nhà riêng ở Connecticut.
Một tượng đài nhiều vết bẩn

Là một người Do Thái nhập cư chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, Kissinger hầu như không nói được tiếng Anh khi đến Mỹ năm 1938. Nhưng ông đã sử dụng trí tuệ nhạy bén, khả năng thông thạo lịch sử và kỹ năng viết lách để thăng tiến cực nhanh sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard. Là người duy nhất từng là cố vấn an ninh quốc gia kiêm ngoại trưởng, Henry Kissinger đã kiểm soát chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ theo cách hiếm ai có thể sánh nếu không phải là tổng thống.

Henry Kissinger và nhà ngoại giao cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ đã chia sẻ giải Nobel Hòa bình, với sự can dự các cuộc đàm phán mật dẫn đến Hiệp định Paris năm 1973 và chấm dứt sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam. Bên lề những ghi chú về loạt chuyến đi bí mật tới Trung Quốc năm 1971 để giải quyết số phận Việt Nam, Kissinger viết nguệch ngoạc: “Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian hợp lý,” cho thấy ông chỉ đơn giản tìm cách câu giờ để Mỹ có thể bán đứng VNCH một cách khéo léo hơn và rút chân khỏi Việt Nam sao cho đỡ mất mặt hơn.

Henry Kissinger đã cố vấn cho 12 tổng thống, từ John F. Kennedy đến Joe Biden. Có lúc, Henry Kissinger chỉ đứng thứ hai sau Tổng thống Richard Nixon. Ông vào Tòa Bạch Ốc thời Nixon vào Tháng Giêng 1969 với tư cách cố vấn an ninh quốc gia và sau đó được bổ nhiệm làm ngoại trưởng năm 1973. Henry Kissinger giữ cả hai chức danh, một điều rất hiếm. Khi Nixon từ chức, ông tiếp tục nắm quyền thời Tổng thống Gerald Ford.
Trong nhiều thập niên, Henry Kissinger luôn là tiếng nói quan trọng nhất nước Mỹ trong việc định hình quan hệ Washington-Bắc Kinh. Ông là người Mỹ duy nhất làm việc với tất cả nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình. Mới đây, Tháng Năm 2023, ở tuổi 100, Henry Kissinger đã gặp Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác ở Bắc Kinh, nơi ông được đối xử như một thượng khách ngay cả khi quan hệ với Washington đang trở nên thù địch.

Với tư cách là người điều phối việc mở cửa lịch sử với Trung Quốc và là nhà lý thuyết về chính sách hòa hoãn với Liên Xô, Kissinger đã mang lại những ảnh hưởng có tính định hướng và định hình lại các diễn biến thế giới. Tuy nhiên, nhiều thập niên qua, “tượng đài khổng lồ” trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger cũng là mục tiêu của vô số chỉ trích không ngừng.

Ít nhất một nửa thế giới căm ghét ông. Những gì ông coi là chính trị thực dụng thì nhiều nhà phân tích coi là những hành động vô nguyên tắc, không tôn trọng nhân quyền hay thậm chí mạng sống con người. Hai trong số nhà phê bình gay gắt nhất, Christopher Hitchens và William Shawcross, gọi Kissinger là tội phạm chiến tranh.

Điều đáng nói nhất là Henry Kissinger chưa bao giờ ngưng bảo vệ bản thân và vị trí của mình trong lịch sử. Henry Kissinger bị quy kết bán đứng các giá trị quốc gia của chính nước Mỹ khi tìm kiếm sự hòa hợp với Moscow và đặc biệt với Trung Quốc. Thông qua công ty Kissinger Associates, Henry Kissinger đã tư vấn cho nhiều tập đoàn và các giám đốc điều hành. Khi tìm cách thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc xây dựng một công viên trị giá $5.5 tỷ ở Thượng Hải, Disney đã gọi ngay cho Kissinger.

Thất bại lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của Kissinger là ông không bao giờ quan tâm tiến trình đấu tranh dân chủ của các quốc gia nhỏ. Cá nhân ông là một kẻ từng bị đuổi khỏi đất nước mình nhưng ông không hề lo lắng trước tình trạng vi phạm nhân quyền của các chính phủ ở Châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á và nhiều nơi khác. Những đoạn băng từ Phòng Bầu dục của Nixon cho thấy Kissinger quan tâm nhiều đến việc giữ đồng minh trong guồng máy quan hệ đối ngoại của Mỹ hơn cách họ đối xử với người dân của họ.

Kissinger với Nga và Trung Quốc
Được đánh giá như bậc trưởng thượng làng ngoại giao thế giới, Henry Kissinger vẫn được mời viết bài, được “thỉnh” đến các buổi tọa đàm tại nhiều đại học hàng đầu nước Mỹ, được mời dự các hội thảo nghiên cứu chiến lược quốc tế…

“Nhiều viên chức chính phủ (Mỹ), thành viên Quốc hội và giới truyền thông đang tấn công các chính sách Trung Quốc, từ tỉ giá đến phát triển quân sự… Với nhiều người, sự lớn mạnh Trung Quốc đã trở thành thách thức quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ…

Tư tưởng bành trướng đế quốc bằng quân sự không phải là phong cách Trung Quốc… Chính sách Mỹ tại châu Á không thể để bị thôi miên bởi xu hướng phát triển quân sự Trung Quốc. Trung Quốc, với lợi ích riêng, đang tìm kiếm hợp tác với Mỹ vì nhiều lý do… Lợi ích Mỹ trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc phải đặt trên tinh thần theo đuổi một hệ thống quốc tế ổn định…”.

Nhận xét trên không phải của một giáo sư Trung Quốc đăng trên tờ Hoàn Cầu hoặc Nhân Dân nhật báo mà của Henry Kissinger trên Washington Post ngày 12 Tháng Sáu 2005. Quan điểm Kissinger trong bài viết 1,898 từ này, đến nay, vẫn không thay đổi. Tại sao Kissinger luôn kêu gọi nước Mỹ áp dụng chính sách hòa hoãn, thay vì kiềm tỏa, đối với Trung Quốc? Cùng lúc, Kissinger cũng phản đối việc Washington chơi rắn với Nga.

Lợi ích cá nhân là một trong những lý do. Trong quyển The China Threat, tác giả Bill Gertz chỉ ra rằng Kissinger dùng “sự tiếp cận đặc biệt mở rộng của mình với giới lãnh đạo Trung Quốc để giúp hoạt động tư vấn doanh nghiệp của ông phát triển”. Fareed Zakaria (CNN) có lần thuật, hãng tư vấn “Kissinger Associates, Inc.” của Kissinger làm ăn rất mạnh ở Nga. Có lẽ không phải tự nhiên mà Kissinger viết lời mở đầu cho quyển “Chính sách đối ngoại thời kỳ mới” của viên chức Nga Igor S. Ivanov, trong đó, Kissinger nói: Nga và Mỹ “có một cơ hội hiếm để cùng nhau xây dựng một hệ thống quốc tế mới”.

Như được thuật từ Cliff Kincaid trên trang Accuracy in Media, Kissinger và cựu Thủ tướng Yevgeny Primakov từng chủ trì nhóm nghiên cứu quan hệ Mỹ-Nga năm 2007 – một năm trước khi Nga xâm lược Georgia. Trong cuộc phỏng vấn Zakaria ngày 14 Tháng Chín 2014, Kissinger vẫn đứng về phía Vladimir Putin, khi nói: “Người ta phải hiểu cho nước Nga. Ukraine không bao giờ có thể là một quốc gia khác.
Ukraine là một phần liên đới với di sản Nga”.
Việc Kissinger dùng chính sách đối ngoại như một thứ hàng hóa không phải mới. Cuối thập niên 1980, New York Times thực hiện một phóng sự cho thấy “Kissinger Associates Inc.” đã tổ chức “thảo luận vấn đề quan hệ Đông-Tây với giới chức hàng đầu Mỹ và Liên Xô nhằm có thể tư vấn tính phí cho một số tập đoàn lớn nhất thế giới…

Qua mối quan hệ gần gũi của họ với các chính phủ nước ngoài và kiến thức rộng về các vấn đề đối ngoại, họ (“Kissinger Associates Inc.”) đã kiếm bộn tiền bằng cách đưa ra những góc nhìn địa chính trị, lời khuyên và cách tiếp cận cho khoảng 30 công ty toàn cầu hàng đầu. Trong số những công ty sẵn sàng trả $200,000 hoặc hơn để trở thành khách hàng “Kissinger Associates Inc.”, có ITT, American Express, Anheuser-Busch, Coca-Cola, H. J. Heinz, Fiat, Volvo, L. M. Ericsson, Daewoo và Midland Bank” (nguồn: Kissinger and Friends And Revolving Doors, New York Times, 30 Tháng Tư 1989).

Bài báo trên tiết lộ: một viên chức công ty Heinz cho biết, đích thân Kissinger đã giúp họ bằng cách cung cấp “thông tin nền” và chịu trách nhiệm giới thiệu khi công ty dự tính lập nhà máy thực phẩm tại Trung Quốc. “Kissinger Associates Inc.” qui tụ toàn thành phần máu mặt: William French Smith (cựu Bộ trưởng tư pháp) hoặc Zbigniew Brzezinski (cựu cố vấn an ninh quốc gia).

Đến nay, “Kissinger Associates Inc.” vẫn tồn tại. Và Kissinger vẫn kiếm tiền bằng nghề “đi buôn chính sách”. Theo Sydney Morning Herald (SMH; 29 Tháng Ba 2015), Kissinger đã bỏ túi gần $5 triệu để giúp tập đoàn khoáng sản Rio Tinto (Úc) phủi tay vụ Hồ Sĩ Thái (Stern Hu), đại diện Rio tại Thượng Hải, bị Trung Quốc bắt tội hối lộ năm 2009 – sự việc ảnh hưởng mạnh đến việc làm ăn của Rio Tinto tại Trung Quốc. Kissinger đã bàn vụ này với Phó thủ tướng (lúc đó) Vương Kỳ Sơn.
__________
Heinz Alfred Kissinger sinh ngày 27 Tháng Năm 1923 tại thị trấn Fürth, Bavaria, Đức. Mùa thu 1938, gia đình Kissinger rời khỏi Đức. Với ít đồ nội thất và một chiếc rương, họ đến New York trên con tàu viễn dương Ile de France của Pháp.

Gia đình Kissinger định cư ở Upper Manhattan, khi đó là thiên đường cho những người tị nạn Đức gốc Do Thái. Năm 1943, Henry Kissinger vào quân đội, được đưa đến Trại Claiborne ở Louisiana, rồi được điều động sang Đức làm thông dịch viên.

Henry Kissinger trở lại Hoa Kỳ vào năm 1947 với ý định tiếp tục học đại học nhưng bị một số trường đại học ưu tú từ chối. Harvard là ngoại lệ. Với sự hướng dẫn của giáo sư William Yandell Elliott, Henry Kissinger gây chú ý khi tung ra luận án “The Meaning of History”, tập trung mổ xẻ Immanuel Kant, Oswald Spengler và Arnold Toynbee.

Với độ dày 383 trang, luận án sau đó trở thành “quy tắc Kissinger” (ấn định độ dài tối đa một luận án tốt nghiệp). Kissinger tốt nghiệp xuất sắc năm 1950. Vài ngày sau, Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, với việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập và Liên Xô ủng hộ cộng sản Triều Tiên. Henry Kissinger nhận lời làm một số công việc tư vấn cho chính phủ Mỹ tại Nhật và Hàn Quốc.

Trở lại Harvard để theo đuổi bằng tiến sĩ, Henry Kissinger và giáo sư William Yandell Elliott bắt đầu tổ chức Hội thảo Quốc tế Harvard (Harvard International Seminar), một dự án thu hút các nhân vật chính trị trẻ lẫn công chức và nhà báo… Hội thảo đã đặt Kissinger vào trung tâm của một mạng đào tạo một số nhà lãnh đạo lừng lẫy sau này, trong đó có Valéry Giscard d’Estaing, người sau này trở thành tổng thống Pháp; Yasuhiro Nakasone, thủ tướng tương lai của Nhật; Bulent Ecevit, sau này là thủ tướng lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ; và Mahathir Mohamad, thủ tướng tương lai của Malaysia… Năm 1954, Henry Kissinger nhận bằng tiến sĩ và danh tiếng ông bắt đầu vượt ra ngoài phạm vi giới học thuật.

Thập niên 1960, với không khí đặc quánh của Chiến tranh Lạnh và cục diện chiến tranh Việt Nam nóng hổi, Henry Kissinger được Nixon bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia. Ông đã thoát khỏi vụ bê bối Watergate mà hầu như không bị tổn hại gì, tiếp tục giữ chức ngoại trưởng cho đến khi kết thúc chính quyền Ford vào năm 1977, khi ông được trao Huân chương Tự do của Tổng thống, giải thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ… Dù không còn là ngoại trưởng nhưng ông vẫn tiếp tục cố vấn cho nhiều chính quyền tiếp theo.

Reagan bổ nhiệm ông làm chủ tịch Ủy ban lưỡng đảng quốc gia về Trung Mỹ mà ông lãnh đạo từ năm 1983 đến năm 1985. Ông cũng từng là thành viên Ban cố vấn tình báo nước ngoài của Tổng thống từ năm 1984 đến năm 1990. Tháng Mười Một 2002, Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm Kissinger làm Chủ tịch Ủy ban 11/9, nhưng ông từ chức vài tuần sau do có nghi vấn về xung đột lợi ích tiềm ẩn. Kissinger đóng vai trò là người có “ảnh hưởng mạnh mẽ, phần lớn là vô hình” đối với cách tiếp cận của chính quyền Bush đối với cuộc chiến Iraq, theo quyển State of Denial của nhà báo Bob Woodward.

Nhiều nhà phê bình luôn phản đối việc Kissinger tiếp tục tham gia vào chính sách đối ngoại, cho rằng hành động của ông chẳng mang lại lợi lộc gì mà còn tạo ra những vấn đề lâu dài mà Hoa Kỳ tiếp tục vật lộn cho đến nay. Tuy nhiên, Kissinger vẫn hoạt động tích cực. Ông liên tục gặp lãnh đạo Nga và Trung Quốc, trong đó có ít nhất 17 cuộc gặp với Vladimir Putin.
Mỹ Anh
(29 tháng 11, 2023)

No comments:

Post a Comment