Saturday, April 11, 2015

• 'Không nên gọi 30/4 là ngày giải phóng' - Nam Phong Gửi tới BBC từ Huế

Nam Phong Gửi tới BBC từ Huế
Tôi sinh ra và lớn lên sau ngày 30/04. Trong khi phần lớn đất nước chìm trong khó khăn, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, trong khi phần lớn người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói khổ trong giai đoạn 1980-1990, thì tôi đã sống một cuộc sống đầy đủ và sung túc, vì ông bà tôi là những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ông tôi là một người chân thành và có niềm tin sâu sắc với lý tưởng cộng sản. Ông có một người chị ở phía bên kia, và sau này di tản sang Mỹ. Ông không bao giờ liên lạc với bà, và đó là nỗi ân hận lớn nhất trong những ngày cuối đời của ông.
Là một 'hạt giống đỏ" tôi lớn lên với niềm tin chân thành về những gì được dạy dỗ, về lý tưởng cộng sản với hình mẫu Pavel Korchagin - Hình mẫu chuẩn mực cho mọi thiếu niên lớn lên dưới mái trường XHCN khi đó.





Vì vậy, sự kiện 30/04 đối với tôi và các bạn tôi khi đó là một cái gì đó rất đẹp, rất anh hùng, cũng rất vẻ vang. Với thế hệ chúng tôi, Việt Nam đã đánh bại siêu cường số 1 thế giới làm "chấn động năm châu. rung chuyển địa cầu".
Nhưng sau sự kiện bức tường Berlin, mẹ tôi trở về Việt Nam (vì là con của cán bộ cao cấp, mẹ tôi và các bác, cậu của tôi đều lần lượt học ở Đông Đức, Liên Xô, Bungari...).
Với những gì đã được chứng kiến ở nước Đức và Đông Âu, mẹ tôi không tán đồng quan điểm với ông tôi. Mẹ tôi từng kể với tôi rằng, những người bạn Đức của bà nói rằng ''Mỹ là những người bạn tốt, cả thế giới muốn chơi với nó mà người Việt Nam mày lại đuổi nó đi.''
Bà kể cho tôi về những người Đức cộng sản và không cộng sản khi thống nhất đất nước đã ôm hôn nhau như thế nào. Bà kể về những người lính biên phòng Đông Đức đã tự sát chứ nhất định không bắn vào những người phía Đông muốn chạy sang phái Tây như thế nào.
Đó là bước ngoặt trong suy nghĩ của tôi! Mỹ mà tốt à? Tại sao người ở phía Đông lại chạy sang phía Tây chứ không phải ngược lại? Thế giới của tôi bắt đầu có nhiều màu sắc hơn, không còn chỉ có hai màu, cộng sản và phản động nữa.




Những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh chỉ là giao tranh giữa những người Việt (Trong ảnh là lính VNCH trong trận Xuân Lộc)

Tôi bắt đầu tìm đọc những tác phẩm viết về ngày 30/04/1975. Đọc những tác phẩm bị coi là "phản động" ở Việt Nam. Các tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng...
Thông tin từ những tác phẩm này đã khiến tôi mở to mắt. Ngày 30/04 làm gì còn người lĩnh Mỹ nào ở Sài Gòn. Vậy 
  • sao còn gọi là kháng chiến chống Mỹ? 
  • Sao có thể gọi là "giải phóng"?
tôi khóc thương cho số phận dân tộc Việt. Khóc thương cho hàng triệu người Việt ở cả hai phía đã ngã xuống trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn". Khóc thương cho cả triệu người Việt vĩnh viễn nằm lại gữa biển khơi.




Và tôi khóc thương cho lòng yêu nước nhiệt tình nhưng ngây thơ của người Việt đã bị các cường quốc lợi dụng. Đất nước trở thành bãi chiến trường. Người Việt trở thành sỹ tốt xung phong. Việt Nam thành bàn cờ, nhưng người chơi là người Nga, người Trung Quốc và người Mỹ không phải là người Việt. Một bên chiến đấu để "giải phóng" và "nhuộm đỏ thế giới". Một bên chiến đấu để bảo vệ "thế giới tự do".
"Đại thắng mùa xuân" và "giải phóng miền Nam". Đât nước thành một đống đổ nát, hoang tàn. Trường Sơn thành một nghĩa trang khổng lồ.
Những người mẹ mất con. Khăn trắng trên đầu trẻ thơ. Và một hết thương hằn sâu trong lòng dân tộc. 40 năm rồi, bên chiến thắng vẫn ăn mừng, vẫn diễu binh, vẫn pháo hoa...bên kia vẫn là ngày quốc hận, ngày mất nước... vết thương dân tộc vẩn rỉ máu.
Một ngày nào đó, 30/04 trở thành ngày thống nhất, một ngày lễ cho cả dân tộc. Tổ quốc treo cờ rủ quốc tang cho những người đã ngã xuống ở cả hai phía.
Một tượng đài nhỏ thôi, giản dị thôi nhưng tinh xảo. Và một nghĩa trang của những người lính ở cả hai phía cho thế hệ trẻ có thể tỏ lòng thành kính cho những người đã ngã xuống vì dân tộc. Hy vọng là như thế!
Còn thống nhất lãnh thổ mà không thống nhất được lòng người thì có ích gì? Nhất là khi phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp đang trỗi dậy. Bài học mất nước của Hồ Quý Ly còn đó.

No comments:

Post a Comment